Dông trong khí tượng được hiểu là hiện tượng khí tượng phức hợp gồm chớp và kèm theo sấm do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra. Nó cũng thường kèm theo gió mạnh, mưa rào, sấm sét dữ dội, thậm chí cả mưa đá, vòi rồng (ở vùng vĩ độ cao có khi còn có cả tuyết rơi).
Thuật ngữ "dông" tiếng Anh là "thunderstorm", từ điển khí tượng Trung Quốc dịch là "lôi bạo" (âm Hán-Việt) nghĩa là sấm dữ dội), còn trong dân gian ta "dông" là "trận gió to", không hoàn toàn trùng với thuật ngữ "dông" trong khí tượng.
Người La-mã xưa thì cho rằng dông sét là những trận chiến giữa thần sấm (Jupiter, còn thần thoại Hy lạp là thần Zuis) và thần lửa (Vulkan).
Dông được xếp vào thời tiết nguy hiểm vì hàng năm có nước sét đánh chết hàng nghìn người, gây ra hàng trăm vụ cháy rừng, cháy nhà, làm hư hỏng nhiều thiết bị máy móc, nhất là các thiết bị điện tử.
Dông ở nước ta có thể xảy ra quanh năm, nhưng vào tháng chính đông ở khu vực Bắc bộ nước ta dông rất ít, có năm gián đoạn đến dịp sang xuân. Dông thường sinh ra trong thời tiết nóng ẩm nên về mùa hè ở nước ta dông xảy ra thường xuyên hơn, thường vào buổi chiều hay chiều tối và được gọi là dông nhiệt. Đặc biệt trên các vùng núi hay sông hồ trong những tháng nóng ẩm, dông có thể xuất hiện nhiều và bất thường, lại hay kèm theo gió mạnh nên rất nguy hiểm cho tính mạng con người.